Sunset on Halong Bay & Bai Tho Mountain's Summit
Ha Long Bay, Quang Ninh Province, Vietnam
December 5, 2008, 5:00 pm
© 2008 Val T. Hoang, All Rights Reserved.
Lat: 20° 56' 46" N
Long: 107° 4' 44" E
Elevation: 551ft (168m)
Precision is: Unknown / Undeclared.
* Behind the scene in Vietnamese *
Hành trình leo núi Bài Thơ ngày 5 tháng 10 năm 2008
by Ms. Nguyen T. Minh-Lan, the climber and member of 360vietnam.net.
Các bạn biết Núi Bài Thơ nhưng có biết đường lên núi không? Tôi sống ở Hạ Long 30 năm, hỏi người già người trẻ, lang thang search Google - kho tàng trí tuệ của loài người mà không ra. Chúng tôi, thành viên công ty truyền thông 360Vietnam.net, phải đặc biệt cảm ơn tấm thịnh tình và sự giúp đỡ tận tâm của chú Vinh – Giám Đốc Trung Tâm Quảng Bá Xúc Tiến Du Lịch Hạ Long, chú đã dẫn lối giúp chúng tôi khám phá Núi bài thơ. Mời theo chân chúng tôi nhé.
Đầu tiên, chúng tôi gửi xe tại Quảng Trường Rạp Bạch Đằng, sang đường, tiến thẳng về phía số nhà 102 Lê Thánh Tông, bên cạnh có 1 ngõ nhỏ, có cả cổng khóa.
Chúng tôi phải nói với bác chủ, “Chúng cháu qua rồi bác nhớ đừng khóa cổng kẻo chúng cháu còn quyến luyến cõi trần, chưa muốn lên non ở ẩn đâu”. Bác ấy bảo “yên chí”, thế là chúng tôi thẳng tiến. Gặp 2 chú cẩu trong cũi hỏi “gâu gâu? đi đâu? đi đâu?” Đường đi có bậc đá, mọi người còn tràn trề sinh lực hăng hái bước lên. Nga còn tạo dáng rõ điệu để chụp ảnh. Nhưng đến lưng chừng thì đường thu lại rất nhỏ và hẹp, đầy cây le, tre, nứa với lá sắc và nhọn bao quanh. người đi trước đừng chơi xấu để le quất vào mặt người đi sau, cây này mà cứa vào da thì đau lắm. Mọi người mệt nhoài, tai và mũi tranh nhau thở, chẳng ai tạo dáng để chụp ảnh nữa. Còn Anh Val H đang bò theo đúng nghĩa bằng 2 chân và cả 2 tay nữa. Rủi mà may…may có sự cố lật xuồng, hỏng máy ảnh trên vịnh nên anh Val H ko mang tripod nặng 20kg theo nữa, nếu mang theo thì phì phò…thổi lò kéo bễ. Tôi có điện thoại, đành đứng lại tới 3 phút điều hoà hơi thở rồi mới dám trả lời. (Trả lời ngay là dễ bị hiểu lầm lắm nghe…). Leo khoảng 30’, Đan thông báo cờ kia rồi, chúng tôi tỉnh cả người, hứng khởi nhìn lên, cái đích đã hiện ra.
Dưới lá cờ bay phần phật trong gió trời mây nước Hạ Long, chúng tôi có cảm giác mình thật “vĩ đại”. Chúng tôi đang đứng trên đỉnh Núi Bài Thơ, hay đứng giữa trung tâm thành phố Hạ Long, hay đang ở giữa trời mây, có lẽ cả ba đều đúng. Mây bay dưới chân, mây bay trên đầu, chúng tôi thành tiên cả rồi. Đỉnh núi toàn đá, anh Val không hiểu vô tình hay cố ý chỉ cho tôi một mỏm đá nhọn hoắt nói “Ngồi đi em” …tôi đâu dám ngồi giữa chỗ “cỏ cây chen đá, đá châm mông” như vậy (anh Val “xào” thơ của Bà Huyện Thanh Quan).
Bây giờ tôi mới để ý bông lau cũng đẹp thật có màu trắng ngà lau non, màu vàng màu hung lau già chen lẫn trúc xanh, có cả cây gì lá đỏ (tôi ko biết tên). Tôi phóng xa tầm mất tận hưởng cảnh sắc đất trời bao la, không khí trong lành, gió và sóng biển vỗ về. Trải dài trước mặt tôi là biển cả mênh mông, những dãi núi nhô lên hình cánh cung, tàu bè ngược xuôi. Đằng sau là thành phố với nhà cao nhà thấp, cầu Bãi Cháy như con rồng trong sương mờ uốn mình giữa đôi bờ Cửa Lục. Hôm nay ở độ cao này tôi mới khám phá ra mảnh đất Hạ Long nơi tôi ở 30 năm nay thật đep. Trong tôi, cảm xúc thật dạt dào, cứ như lần đầu tiên đặt chân đến Hạ Long.
Tôi thấm thía câu nói của Chú Vinh “đối với Hạ Long, mọi lời ca ngợi ca dường như không đủ vì Hạ long đã quá đẹp rồi”.
Chú Vinh kể “Núi Bài Thơ thuở xưa có tên núi Rọi Đèn, hay Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên núi hễ có bóng giặc nơi cửa biển thì đốt lửa báo tin về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng”. Ngay lập tức, tripot được dựng lên để chụp ảnh toàn cảnh 360o và chúng tôi đã lưu lại những cảnh đẹp thần tiên này tại 360Vietnam.net . Tôi, dù chẳng biết thế nào là nghệ thuật, cũng đưa máy lên chụp lia lịa, lo gì, cảnh đẹp rồi không cần thợ chụp giỏi. Mời bạn xem mấy ảnh này và phát biểu cảm tưởng nhé. Chúng tôi vẫn lưu luyến cảnh đẹp nhưng trơì săp tôí rôì, còn chương trình đi tìm bài thơ trên núi. Nào cùng hạ sơn thôi. Cũng chùn chân đấy, ước gì có cái cầu trượt, chúng tôi sẽ ko ngần ngại ngồi lên để trượt xuống. Chúng tôi xuống tới chân núi thì thành phố đã lên đèn.
Dù đã thấm mệt nhưng chúng tôi vẫn nhanh chân rảo bước về hướng chùa Long Tiên, đi tiếp vào khu Bến tầu thủy Hòn Gai trước đây, rồi men theo con đường nhỏ và dài trông xa như 1 dải lụa uốn quanh chân núi Bài Thơ. Con đường này thực ra là 1 cây cầu nhỏ, kết cấu khung thép được hàn chặt vào chân núi bài thơ và được lát bê tông đưa chúng tôi vào Phố Bài Thơ. Đói, “ai quẩy nóng đây?” xuất xứ núi bài thơ nghiêm chỉnh, mua luôn 15000/10cái, vừa đi thưởng thức vừa tránh xe đạp xe máy đi như mắc cửi.
Con đường này chắc hiếm khi có du khách vào, khi thấy chúng tôi, vai lủng lẳng máy ảnh, máy quay, rồi tripot, rất nhiều người tò mò nhìn chỉ chỏ “Tây rau muống kìa”. Đầu tiên chúng tôi vào ngôi chùa nhỏ nép dưới chân núi thờ bà chúa Hang, cả đoàn cùng vào, cùng thắp hương thỉnh cầu chuyến đi an bình. Hai bên chùa có 2 bài thơ của Chúa An Đô Vương Trịnh Cương, một bài nữa tôi chưa điều tra được nguồn gốc, chữ mờ quá nên tôi cũng không ghi được vào đây.
Chúng tôi tiếp tục đi vào 1 ngõ nhỏ mà tôi ngỡ là đi vào nhà ai. Qua sạp bán hàng đầu ngõ, qua sân bếp của dân địa phương, (họ ngồi ăn cơm ngay tại đây), chúng tôi vào phía sau ngôi nhà. Trên vách núi cao quá đầu người, chính là nơi vua Lê đã cho người khắc bài thơ gồm 56 chữ Hán khi đi du ngoạn Hạ Long vào năm 1468. Bài thơ đã mờ gần hết, may sao bên dưới có ba tấm bia đá, là nơi sao lại và dịch lại bài thơ. Chị chủ nhà nồng nhiệt đọc bản dịch bài thơ cho tôi nghe. Anh Thắng hỏi, “chị thuộc rồi à”, chị ấy trả lời đầy tự hào, “Vâng, em thuộc từ lâu rồi anh ạ”.
Tôi xin chép bài đó vào đây:
"Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào
Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời
Có tráng trí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ
Hàm hào cửu tam (đã định)
Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió
Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên
Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt
Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững
Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn."
Nét độc đáo Núi Bài Thơ không chỉ dừng lại tại vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mà còn là ở huyền thoại, chứng tích lịch sử mà những con rồng cháu tiên Lạc Hồng đã làm nên, lưu truyền mãi không phai mờ trên đá núi ngàn năm. Tôi hi vọng với nỗ lực của chính quyền địa phương, với tình cảm yêu mến, thái độ trân trọng và bảo tồn của mỗi người dân, mỗi du khách, vẻ đẹp hùng vĩ cùng huyền thoại Núi Bài thơ sẽ mãi là bài thơ hay, là bức họa đẹp tô điểm thêm cho Vịnh Hạ Long.
Chúng tôi tạm biêt Núi Bài Thơ, hẹn găp lại cùng khám phá vẻ đẹp mơi của Núi Bài Thơ trong 1 đêm trăng sáng.